Chống biến đổi khí hậu – Mệnh lệnh từ giới trẻ

Chống biến đổi khí hậu – Mệnh lệnh từ giới trẻ

Một ngày thứ Sáu như mọi ngày thứ Sáu khác trong suốt một năm qua, Greta Thunberg lại tới biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển.* * *

Vẫn như mọi khi, cô bé 16 tuổi trong trang phục giản dị, mái tóc nâu tết bím và cầm trên tay tấm bìa carton có dòng chữ “Bãi khóa vì Khí hậu” – câu hiệu triệu giờ đây đã được nghe tới trên toàn thế giới.

“Kể cả giữa mùa hè thì cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn cứ diễn ra, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, bởi vậy học sinh chúng ta sẽ không nghỉ hè nữa”, cô bé viết trong một thông điệp twitter gửi tới những người bạn đã ủng hộ mình ở khắp các quốc gia.

Trong năm vừa qua, những cuộc bãi khóa hàng tuần của Greta bên ngoài tòa nhà quốc hội Thụy Điển đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ của bạn bè năm châu. Hàng triệu học sinh ở hơn 100 quốc gia đã tổ chức những hoạt động tương tự, làm nên phong trào Fridays For Future (FFF) – bãi khóa ngày thứ Sáu hàng tuần để kêu gọi chống biển đổi khí hậu, sự nỗ lực làm giảm ô nhiễm môi trường.

Chống biến đổi khí hậu – Mệnh lệnh từ giới trẻ

Phong trào Fridays For Future đã có những tác động nhất định tới chính giới ở nhiều quốc gia. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khen ngợi ý thức hành động của các học sinh. Sau những ngần ngại ban đầu, chính phủ của bà đã đồng ý tham gia vào các nỗ lực chung của châu Âu nhằm đặt ra một mục tiêu cắt giảm khí thải chung cho toàn châu lục. Tại Liên hiệp Anh, chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và đề ra những mục tiêu cắt giảm khí thải mới, một phần do tác động từ các cuộc bãi khóa. Tuy nhiên, tại một số quốc gia khác, phong trào của các học sinh không nhận được mấy sự ủng hộ.“BỊ PHỚT LỜ VÀ COI THƯỜNG”

Tại Cộng hòa Séc, các nhà hoạt động nhỏ tuổi của phong trào FFF dường như ít được lắng nghe hơn.

“Để đáp lại cuộc bãi khóa đầu tiên của chúng tôi, chính phủ Séc đã đồng ý tổ chức một cuộc tranh luận về biến đối khí hậu”, các nhà tổ chức cuộc bãi khóa FFF tại Séc cho biết. “Tuy nhiên, cuộc tranh luận chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ và có đến quá nửa số quan chức đã rời khỏi phòng họp trước cả khi bắt đầu… Chúng tôi đòi hỏi phải có hành động, nhưng chúng tôi đã bị phớt lờ và coi thường”.

Trái ngược lại với nỗ lực chống biến đổi khí hậu của giới trẻ Séc, chính phủ nước này nằm trong số những nước đã phủ quyết đề xuất về khí thải chung của toàn Liên minh châu Âu – EU được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu của EU diễn ra hồi tháng trước. Theo đề xuất này, EU sẽ cắt gần như toàn bộ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2050.

Chống biến đổi khí hậu – Mệnh lệnh từ giới trẻ

Cùng với Cộng hòa Séc, ba quốc gia thành viên EU khác là Ba Lan, Estonia và Hungary cũng bác bỏ đề xuất này. “Vì sao chúng ta phải quyết định trước tới 31 năm điều gì sẽ diễn ra vào năm 2050 cơ chứ?”, Thủ tướng Séc Andrej Babis bày tỏ ý kiến với báo giới ngay sau cuộc họp.

“Chính kiểu tư duy và hành động này là lý do chúng tôi quyết định bãi khóa”, Eva Matousova, một học sinh tham gia tổ chức phong trào bãi khóa ở Séc cho biết.

Eva cho biết, học sinh Séc sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện chống biến đổi khí hậu trong các cộng đồng địa phương trong suốt kỳ nghỉ hè. Và một cuộc bãi khóa lớn trên phạm vi toàn quốc sẽ được tổ chức ngay trong tháng đầu tiên của năm học mới.

“Sự thờ ơ, không nghiêm túc của chính phủ Séc trong vấn đề chống biến đổi khí hậu là đáng báo động… Rõ ràng rằng tương lai chung của chúng tôi không phải là ưu tiên của họ, và đây là điều phải thay đổi”, Eva nói.

Sự bất đồng tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu EU phản ánh phần nào thái độ của người dân toàn châu lục trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Theo một khảo sát dư luận do Ủy ban châu Âu – EC tiến hành năm 2017, chỉ có 22% dân số Séc, tỉ lệ thấp nhất trong toàn châu Âu, cho rằng biến đổi khí hậu là một trong bốn vấn đề nghiêm trọng nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Người Ba Lan, với tỉ lệ 27%, đứng ở hàng áp chót.

Nhưng ở Thụy Điển, một trong những quốc gia tích cực ủng hộ đề xuất này nhất, có tới 76% dân số tin rằng biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng nhất của thế giới hiện nay.KINH TẾ KHÍ HẬU

Theo nhà nghiên cứu Thomas Bernauer, Giám đốc Viện nghiên cứu Khoa học, Công nghệ và Chính sách thuộc Đại học Zurich (Thụy Điển), sự khác biệt này có nguyên nhân phần nhiều từ kinh tế.

“Tại những quốc gia châu Âu phồn thịnh hơn như Thụy Sĩ, Đức hoặc vùng Scandinavia, người dân đã đạt tới mức sống cao nhất định và đã quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề vượt ra khỏi cơm áo gạo tiền hàng ngày”, ông Bernauer cho biết.

“Nếu bạn sống trong một quốc gia giàu có, có công việc ổn định và thu nhập khá, có nhà cửa và đủ ăn đủ mặc, bạn đã đẩy đủ về mặt vật chất và sẽ có xu hướng tái định nghĩa những thứ xa xôi hơn như khí hậu trở thành một nhu cầu cơ bản. Nhưng nếu bạn sống ở Bulgaria hoặc Bồ Đào Nha, nơi tỉ lệ thất nghiệp lên tới 30% và bạn không có triển vọng tìm được việc nào, thì khó có thể để tâm tới những vấn đề xa xôi như thế”, ông Bernauer nói.

“Tại những quốc gia châu Âu phồn thịnh hơn như Thụy Sĩ, Đức hoặc vùng Scandinavia, người dân đã đạt tới mức sống cao nhất định và đã quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề vượt ra khỏi cơm áo gạo tiền hàng ngày”

Ông Bernauer

Giáo sư Mike Hulme thuộc Đại học Cambridge (Anh) cũng đồng tình với quan điểm rằng sự chia rẽ giữa các quốc gia châu Âu xung quanh vấn đề chống biến đổi khí hậu phản ánh những sự chia rẽ sâu sắc hơn nữa về kinh tế, chính trị và văn hóa nội khối.

“EU gồm 28 quốc gia đang ở những giai đoạn phát triển kinh tế rất khác nhau… Sự chia rẽ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu có nguyên nhân một phần vì quan điểm chính trị, một phần vì thói quen và giá trị văn hóa, một phần vì tôn giáo, một phần vì địa chính trị”, ông Hulme nói.

Đây cũng là một vấn đề mang tính thực tế. Ba Lan hiện là nhà sản xuất than đá số một ở châu Âu. Có đến 80% lượng điện mà nước này sản xuất được đến từ các nhà máy điện than. Ngành điện than Ba Lan sử dụng hàng chục nghìn lao động và là một nguồn tài nguyên có tính chiến lược, cho phép Ba Lan không phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt do Nga cung cấp.

“Khi một đất nước có những nguồn tài nguyên thay thế thì họ có thể dễ dàng cắt giảm khí thải hơn”, Giáo sư Darrick Evensen thuộc bộ môn Chính trị Môi trường thuộc Đại học Edinburgh (Scotland) cho biết.

Chính trị đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong cuộc bầu cử mới đây trên toàn EU, các đảng Xanh theo đường lối bảo vệ môi trường đã đạt được những thắng lợi đáng kể, phản ánh mối quan tâm của cử tri nói chung trong vấn đề này.

Các chính sách về chống biến đổi khí hậu của các quốc gia thường gặp trở ngại do những mâu thuẫn giữa chi phí và lợi ích. Chi phí để tiến hành các chính sách chống biến đổi khí hậu thường rất cao. Để xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch – một hành động mà giới khoa học cho là cần thiết để giảm tốc độ ấm lên của Trái đất, sẽ cần đến những khoản đầu tư lớn cho các công nghệ mới.

Trong khi đó, lợi ích từ các chính sách này có thể chỉ thấy rõ được sau nhiều thập kỷ nữa, khi các nhà lập pháp của hôm nay đã trở thành người thiên cổ. Chính điều này khiến cho các chính trị gia không mấy hứng thú trong việc hành động chống biến đổi khí hậu.

Chống biến đổi khí hậu – Mệnh lệnh từ giới trẻ

“Những chính sách môi trường sẽ không thu được kết quả trong ngắn hạn – đây chính là vấn đề”, Giáo sư Evensen nói. “Nhưng vấn đề có thể sẽ bắt đầu được giải quyết nhờ những cuộc biểu tình và bãi khóa, các chính trị gia sẽ nhận ra – như chúng ta đã thấy ở Anh, là họ cũng sẽ gặt hái được kết quả ngắn hạn từ các chính sách chống biến đổi khí hậu, vì chúng có thể giúp họ lên nắm quyền lực”, ông Evenson nói.

Nhưng đây là phép tính chỉ được giải khi chính phủ không còn những vấn đề cấp thiết nào khác cần giải quyết. “Nếu có một cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng việc làm, lạm phát hoặc điều gì khác gây tác động nặng nề tới cuộc sống người dân, thì đây sẽ là những điều họ muốn đặt làm ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chống biến đổi khí hậu là không liên quan”, ông Bernauer nói.

Thụy Điển là một trong số ít ỏi những quốc gia đã tự đặt ra các mục tiêu cắt giảm khí thải trong một nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Trên trường quốc tế, Thụy Điển cũng là nước mạnh tay nhất trong việc hạn chế nhiên liệu hóa thạch.

Tuy vậy, cô bé Grate Thunberg vẫn tiếp tục với những cuộc bãi khóa thứ Sáu hàng tuần trước tòa nhà chính phủ.

Cô bé cho biết sẽ tiếp tục bãi khóa cho đến khi Thụy Điển đáp ứng đầy đủ Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Thỏa thuận toàn cầu đạt được năm 2015 đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp bằng cách cắt giảm mạnh khí thải carbon.

Theo Mạng lưới Hành động Khí hậu châu Âu – một liên minh của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, thì chưa một quốc gia châu Âu nào, kể cả Thụy Điển, hành động đủ nghiêm túc để hiện thực hóa mục tiêu này.

“Chúng tôi có thể sẽ còn phải bãi khóa trong nhiều năm tới”, Greta nói.

Nguồn: ngaynay.vn