TP Hồ Chí Minh Báo động ô nhiễm bởi xe cơ giới tăng nhanh


Xe buýt xả khói đen kịt, một trong những tác nhân gây gia tăng ô nhiễm môi trường.
 Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Nhiều giải pháp được triển khai

Đề xuất về giải pháp giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông đô thị, GS, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khí thải nhà kính phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch của động cơ, từ đó chúng ta có thể tìm ra nhiều hướng để giải quyết. Trong đó, cần chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch, xăng sinh học E5. Về công nghệ xe, cần thay đổi công nghệ làm tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu, từ đó giảm thiểu những khí độc hại, đồng thời chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng sử dụng khí thiên nhiên CNG.

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, về lâu dài để không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải xem xét nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kiểm soát khí thải ô-tô lên ngang bằng với các nước trên thế giới. Đồng thời, kiểm soát khí thải bắt buộc đối với mô-tô, xe máy; tập trung siết chặt việc kiểm tra, xử lý đối với ô-tô cũ, xe buýt xả thải khói đen trên đường phố. Mặt khác phải đầu tư hạ tầng, điều tiết giao thông để hạn chế kẹt xe. Các sở, ngành liên quan cần tuyên truyền khuyến khích người dân tắt máy xe khi chờ đèn đỏ hay lúc kẹt xe để tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường.

Để đạt được mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí từ các hoạt động giao thông vận tải, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, thời gian tới thành phố sẽ tiến hành các giải pháp cơ bản như triển khai biện pháp hạn chế lưu thông đối với phương tiện giao thông cá nhân, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, điều tiết nhu cầu giao thông. Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ sử dụng kết quả tại 12 điểm quan trắc không khí giao thông để đánh giá kết quả sơ bộ.

Nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động giao thông, TP Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục đầu tư các phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, với khoảng 841 xe sử dụng khí CNG, hoạt động trên 39 tuyến xe buýt có trợ giá. Các xe buýt này được nạp nhiên liệu khí CNG tại bốn trạm cung cấp gồm: Bãi xe buýt Phổ Quang (quận Tân Bình), Bến xe buýt Đại học Quốc gia (Thủ Đức), Bến xe An Sương (quận 12) và trạm Tân Kiên (huyện Bình Chánh), với số lượng là 256 xe/380 xe và giá cung cấp bằng 60% so giá dầu DO. TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng chín vị trí trạm nạp nhiên liệu CNG tại các bến xe buýt gồm: Công viên 23/9 (quận 1), Chợ Lớn (quận 5), Tân Phú (quận Tân Phú), Miền Đông (quận Bình Thạnh), Miền Tây (Bình Tân), Ngã 4 Ga (quận 12), Hợp tác xã 19/5 (huyện Hóc Môn), Củ Chi và ga hành khách quận 8, đồng thời mở rộng bốn trạm nạp nhiên liệu CNG hiện có.

Một số giải pháp khác cũng được đặt ra để nghiên cứu cụ thể như: lập dự án thu phí ô-tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, với mức phí bảo đảm để tác động giảm số lượng phương tiện lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố; lập đề án thu phí ô nhiễm môi trường các loại phương tiện giao thông đường bộ theo mức khí thải khi lưu hành; xây dựng mức phí đậu xe khu vực trung tâm phù hợp nhằm hạn chế việc đậu xe. Mặt khác, rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng xe công theo quy định; kiên quyết xử lý, thu hồi xe sử dụng không đúng quy định; rà soát các quy định về hạn chế và cấp phép cho ô-tô vận tải lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục điều tra, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng, tiến tới xác định số lượng xe không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đề xuất các biện pháp xử lý. Rà soát, thống kê, số lượng mô-tô, xe gắn máy ba và bốn bánh vận tải hàng hóa trên địa bàn, tiến tới ngưng hoạt động các loại phương tiện này; hạn chế hoạt động đối với xe máy vào năm 2030 tại một số khu vực trung tâm và khu vực có tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng; triển khai thí điểm đường dành riêng cho xe đạp trong một số khu đô thị.

Theo: nhandan.com.vn