Tình hình ô nhiễm không khí toàn cầu và tại Việt Nam

Ô nhiễm không khí hiện đang là mối quan tâm chung của xã hội toàn cầu. Bởi nó được xem là tác nhân hàng đầu gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. 

Vậy ô nhiễm không khí là gì? Và nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ đâu?

Ô nhiễm không khí là sự thay đổi trong thành phần của không khí. Chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí độc gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người hay có thể làm phá hỏng môi trường tự nhiên của nhiều loài sinh vật khác.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nguy cơ đột quỵ, suy nhược thần kinh, bệnh tim mạch, ung thư, cùng hàng loạt các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phổi, thậm chí ung thư phổi ngày càng tăng cao.

Ô nhiễm không khí được chia làm hai dạng, gồm ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà. Trong đó, ô nhiễm không khí ngoài trời là tác nhân chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người ở các nước phát triển và đang phát triển. Nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ nhiều nguồn khác nhau như khí thải giao thông, nhà máy công nghiệp, từ quá trình sản xuất nông nghiệp và một số nguyên nhân tự nhiên như cháy rừng, bụi sa mạc, núi lửa.

Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối mặt với ô nhiễm không khí trong nhà. Các nguồn gây ô nhiễm bao gồm khói thuốc lá, khói than, củi, các hóa chất có trong sơn hoặc các sản phẩm làm sạch, khí máy lạnh và một số chất có trong vật liệu xây dựng.

Báo động tình trạng ô nhiễm không khí trên phạm vi toàn cầu

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí gây ra cái chết sớm cho khoảng 4,2 triệu người trên thế giới vào năm 2016. Trong đó, 91% tỉ lệ thuộc về các nước nghèo và đông dân ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. 

Bob O’Keefe, Phó Chủ tịch WHO chia sẻ: “Ô nhiễm không khí thực sự là một cú sốc lớn cho toàn cầu. Vấn nạn này khiến những người mắc bệnh hô hấp thêm khó thở, trẻ con và người già phải vào viện, bỏ học, bỏ việc và gây ra những cái chết sớm cho con người”.

Health Effects Institute (HEI) vừa đưa ra phát hiện mới nhất trong báo cáo thường niên 2018, dựa trên dữ liệu vệ tinh và được quy chiếu với các tiêu chuẩn trong Hướng dẫn đánh giá chất lượng không khí của WHO. 

HEI cho biết, hơn 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm và có đến 60% người sống ở những khu vực không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản nhất của WHO. Theo đó, ô nhiễm môi trường không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư thế giới, chỉ đứng sau cao huyết áp, suy dinh dưỡng và hút thuốc lá.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách ô nhiễm môi trường, chiếm 50% số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Riêng tại Trung Quốc đã ghi nhận 1,1 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trong năm 2016.

Mặc cho nhận thức về môi trường sống và ô nhiễm không khí ngày càng được cải thiện tại các đô thị lớn, tình hình vẫn ngày càng trầm trọng hơn khi 2/3 thế giới đang phải hứng chịu nạn ô nhiễm khủng khiếp với chỉ số hạt bụi PM2.5 cao trên mức 35 µg/mkhí, chủ yếu tại Châu Á, Trung Đông và Châu Phi. Nguyên nhân là do dân số những khu vực này tăng quá nhanh, khiến các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí chỉ như “muối bỏ bể”.

Hiện trạng môi trường không khí ở Việt Nam

Theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.

Năm 2016, GreenID công bố báo cáo Sơ lược tình trạng môi trường Hà Nội và TP.HCM:

  • Hà Nội: chỉ số AQI trung bình là 121, nồng độ bụi PM2.5 là 50.5 gấp đôi quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp năm lần khuyến nghị từ WHO (10 µg/m3).
  • TP.HCM: chỉ số AQI trung bình là 86, nồng độ bụi PM2.5 là 28.3 cao hơn so với quy chuẩn quốc gia và gấp ba lần khuyến nghị từ WHO.

Nồng độ bụi trung bình trong không khí ở Hà Nội và TP.HCM vượt mức cho phép từ hai đến ba lần và có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao. Nguồn sinh ra bụi ô nhiễm ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp. Hà Nội chỉ đứng sau New Delhi, Ấn Độ (124 µg/m3), nơi ô nhiễm không khí nặng nhất nhì thế giới.

Đối với vùng nông thôn, nhìn chung chất lượng môi trường không khí còn khá tốt. Môi trường chủ yếu bị tác động cục bộ bởi các hoạt động sản xuất làng nghề, xây dựng, đốt rơm rạ, đốt rác thải, đun nấu, v.v.

Chủ động bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí

  • Giảm triệt để các nguồn phát thải bụi không khí từ việc sử dụng bếp than, bếp củi, hay sử dụng thiết bị sản sinh khói bụi.
  • Ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông và nhiên liệu thân thiện với môi trường.
  • Tránh xa các nguồn không khí ô nhiễm và mang khẩu trang lọc bụi chuyên dụng khi ra đường.
  • Tăng đề kháng nhờ chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và rau xanh, phủ xanh môi trường sống, nâng cao ý thức bảo vệ rừng và cây xanh trong cộng đồng.
  • Giữ vệ sinh mũi xoang sạch sẽ để mũi luôn duy trì khả năng lọc bụi tốt nhất.