Hà Nội đứng thứ 12 trong số những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, trong khi đó Việt Nam đứng vị trí 17 trong những nước ô nhiễm nhất thế giới theo World Air Quality Report của AirVisual. Báo cáo trên được dựa trên dữ liệu của năm 2018 do AirVisual tổng hợp.
Các chỉ số cũng có thấy xu hướng ô nhiễm không khí lan rộng ở các nước châu Á, nghiêm trọng nhất là các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh.
Tất cả các xếp hạng này dựa trên chất lượng không khí trung bình mỗi năm.
Vì có sự khác nhau giữa các quốc gia này về mật độ các trạm đo và tính minh bạch của dữ liệu, các số liệu thống kê phải được cân nhắc một cách thận trọng. Nhưng chúng chắc chắn chỉ ra xu hướng chung.
Các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới
Đánh giá theo tỷ số trung bình PM2.5 hàng năm
VN có giống Ấn Độ, nơi tồi tệ hơn TQ?
Ô nhiễm ở khu vực thành thị thường do nhiều yếu tố khác nhau – chủ yếu là giao thông, nhà máy điện đốt nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp nặng.
Điều khác biệt giữa Trung Quốc với Ấn Độ là ở Ấn Độ vẫn còn rất nhiều tình trạng đốt rơm rạ khi nông dân muốn dọn sạch cánh đồng của họ. Việc đốt đồng thường diễn ra vào mùa thu.
Những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới
Phân loại theo tỷ lệ PM2.5 trung bình hàng năm
Tình trạng này y hệt những gì đã diễn ra ở Việt Nam trong những tháng vừa qua. “Trong đợt ô nhiễm gần đây, nguyên nhân chính dường như là do đốt rơm rạ,” trợ lý giáo sư Thomas Smith của Trường Kinh tế Luân Đôn nói với BBC.
“Đó là một điều mà Trung Quốc đã giải quyết. Tất cả việc đốt rơm rạ đã bị cấm, chấm dứt hoàn toàn.”
“Và bạn không thể đánh giá thấp tác động của việc đốt rơm rạ – mặc dù mọi người thường chỉ nghĩ về ô tô và công nghiệp nặng là nguyên nhân.”
Nhưng tình hình của thủ đô Ấn Độ cũng giống như Hà Nội, trở nên tồi tệ hơn bởi không khí lạnh mùa đông lạnh, tù đọng hơn, khiến các bụi mịn ô nhiễm đọng lại, trở nên tồi tệ hơn.
Giáo sư Smith cũng chỉ ra rằng “trong khi Ấn Độ chủ yếu có thái độ phản ứng, Bắc Kinh đã có xu hướng chủ động và phòng ngừa hơn để cố gắng ngăn chặn các vấn đề xảy ra ngay từ đầu”.
Ô nhiễm tác động lên sức khoẻ ra sao?
Mức độ ô nhiễm được phân loại bằng cách đo mức độ các hạt nguy hiểm trong không khí. Kết quả sau đó được phân loại theo thang điểm từ tốt đến nguy hiểm.
“Tác động của ô nhiễm là khác nhau đối với mỗi người,” Tiến sĩ Christine Cowie của Đại học New South Wales giải thích.
“Một số người phàn nàn về việc khó chịu ở mắt, cổ họng, bị nặng thêm các triệu chứng khò khè ở cổ họng và hen suyễn. Ho chắc chắn cũng là một triệu chứng rất phổ biến – ngay cả ở những người không bị hen.
“Và tất nhiên là những người già bị bệnh, những người rất trẻ và những người mắc các bệnh về đường hô hấp đã có từ trước hay các vấn đề về tim.”
Bà giải thích rằng ngay cả việc tiếp xúc với không khí có mức độ không tốt cho sức khoẻ hay mức độ tệ hơn có thể gây ra cơn hen suyễn hoặc làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tiếp xúc càng lâu, rủi ro càng lớn.
Và các cách để bảo vệ bản thân thì khá hạn chế.
Chỉ số Chất lượng Không khí
Thang đánh giá chỉ số PM2.5 và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe
Có lời khuyên nên ở trong nhà, giảm tập thể dục và đeo khẩu trang – nhưng ở nhiều nơi nghèo hơn trên thế giới, không có lựa chọn nào trong số này thực sự hiệu quả với người thường.
“Đó là không khí độc hại”, David Taylor, giáo sư về thay đổi môi trường nhiệt đới tại Đại học Quốc gia Singapore, nói.
“Nó hẳn phải rất khó chịu – đặc biệt là nếu bạn phải làm việc bên ngoài và nếu bạn phải làm những công việc đòi hỏi khá nhiều năng lượng.”
“Nó giống như tập thể dục cường độ cao khi bạn đi đơn thuần đi dạo bên ngoài. Và tùy thuộc vào loại ô nhiễm, có khi bạn cũng có thể ngửi thấy nó trong không khí.”
Châu Âu hoặc Mỹ thì sao?
Ngày nay, mức độ ô nhiễm ở Châu Âu, Úc và Mỹ thấp hơn đáng kể so với những gì các nước châu Á đang phải chịu.
Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. London từng bị ô nhiễm trầm trọng trong phần lớn thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Cuối năm 1952, tình trạng khói mù mịt còn được gọi là Great Smog bao phủ London một lớp không khí ô nhiễm độc hại dày đặc, khiến thành phố gần như bế tắc trong nhiều ngày. Hàng ngàn người đã chết.
Theo BBC Tiếng Việt